Truyền thông bán lẻ trong tương lai: Hãy bớt tự nói mà để khách hàng tự trải nghiệm
Các nhà bán lẻ đang giao dịch với một thế hệ khách hàng ưa trải nghiệm và chia sẻ trải nghiệm với cộng đồng. Điều này đánh dấu sự chuyển dịch của xu hướng marketing khi chính người tiêu dùng đang thay thế thương hiệu và cửa hàng để trở thành người chủ thể truyền thông. Vì thế mà ngày nay, người ta đưa ra khái niệm mới là marketing trải nghiệm, trong đó mọi hình thức, mọi kênh marketing chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu nhà bán lẻ thực sự hiểu điều gì đang kích thích người tiêu dùng mua hàng, và làm sao để đáp ứng hoặc cải thiện tối đa nhu cầu trải nghiệm của họ.
Ngành bán lẻ đang ở trong giai đoạn có nhiều thay đổi về xu hướng. Giờ đây, khách hàng không còn quá quan tâm tới việc mua hàng trên mạng hay hay tại cửa hàng thực, miễn sao họ có thể mua hàng ở bất cứ thời điểm này, bất cứ nơi đâu. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ cố gắng tiếp cận với khách hàng trên mọi kênh: e-commerce mở cửa hàng thực, còn cửa hàng truyền thống thì nay có thêm gian hàng ảo. Ranh giới giữa online và offline đã không còn quá rạch ròi.
Một yếu tố khác là khách hàng không chỉ mua hàng để thoả mãn nhu cầu vật chất đơn thuần nữa. Họ sẽ bỏ tiền nhiều hơn để được “mua trải nghiệm”, thiết lập những kết nối về cảm xúc thực sự với nhãn hàng. Nhận thức về thương hiệu giờ đây là tổng hoà giữa những gì mà nhãn hàng muốn truyền tải, cùng với những gì mà khách hàng đang nói về họ. Các nhà bán lẻ, các thương hiệu lại đang rất quan tâm đến việc mời khách hàng nói lên trải nghiệm của mình, bày tỏ ý kiến, bình luận, chia sẻ ảnh và video… hoặc thay vì đưa ra những sản phẩm cố định, nhà bán hàng lại khuyến khích khách hàng tham gia tự cá nhân hoá mặt hàng cho chính mình nhằm nâng cao cảm xúc cá nhân và trải nghiệm mua.
Trước sự lên ngôi của xu hướng marketing trải nghiệm, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia về lĩnh vực phân phối – bán lẻ cho rằng: “Doanh nghiệp hãy bớt tự nói về minh mà để phần việc ấy cho khách hàng”.
Khác với tiếp thị truyền thống khi khách hàng chỉ là khán giả, phải tiếp nhận thông tin một cách bị động marketing trải nghiệm là một chiến dịch đề cao tương tác cá nhân thông qua các hoạt động thực tế như các lớp học miễn phí, cửa hàng pop-up, workshop, thậm chí là cả những bữa tiệc thân mật… Công ty nghiên cứu Freeman (Mỹ) dự đoán khoảng 1/3 số CMO (Giám đốc Marketing) sẽ tăng ngân sách dành cho marketing trải nghiệm lên 12-25% trong vòng 3-5 năm tới.
Tại sao lại là marketing trải nghiệm?
Nếu thực hiện bài bản, marketing trải nghiệm sẽ đem đến hiệu quả bất ngờ. Theo khảo sát EventTrack 2016 của tổ chức EventMarketer, 72% số khách hàng coi trọng những thương hiệu tạo ra được trải nghiệm chất lượng thông qua việc tổ chức sự kiện. Trong khi đó, 74% cho rằng các sự kiện do những nhà bán lẻ, thương hiệu này tổ chức khiến họ dễ mua các sản phẩm được quảng bá hơn.
Truyền thông trải nghiệm cũng thúc đẩy tiếp thị truyền miệng khi người tiêu dùng sẽ (theo xu hướng) chia sẻ trải nghiệm của mình cho bạn bè thông qua các nền tảng mạng xã hội. Cũng theo khảo sát EventTrack, 73% khách hàng sẽ chia sẻ ảnh, 49% sẽ chia sẻ video về sự kiện, giúp thương hiệu bán lẻ tạo tiếng vang một cách tự nhiên nhất.
Và đương nhiên, các sự kiện truyền thông cũng giúp thương hiệu bán lẻ thu thấp dữ liệu và phản hồi của người tiêu dùng tức thì, quan sát được các họ tương tác với sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng, sự tiếp nhận của khách hàng với chính sự kiện để làm nền tảng dữ liệu tổ chức các chiến dịch marketing trải nghiệm tiếp theo. Bên cạnh đó, theo đúng tiêu chí của marketing trải nghiệm, các sự kiện như vậy giúp hình thành kết nối cảm xúc giữa nhà bán lẻ và khách hàng, phân loại và hình thành nên những cộng đồng mua sắm nhỏ có cùng sở thích.
Các hình thức sự kiện trong marketing trải nghiệm
Doanh nghiệp bán lẻ dù ở ngành nghề nào, quy mô ra sao cũng đều có thể tổ chức các sự kiện phù hợp với năng lực của mình. Chìa khoá thành công là phải làm sao tạo ra các trải nghiệm tích cực khiến khách hàng nhớ tới và tạo động lực để họ mua hàng sau này. Có 4 hình thức sự kiện phổ biến trong marketing trải nghiệm là:
1. Lớp học
Lớp học có thể được tổ chức ngay trong khuôn viên cửa hàng bán lẻ. Tại đó, khách hàng sẽ được hướng dẫn sử dụng sản phẩm, hoặc các kỹ năng liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình. Ví dụ như thương hiệu bán lẻ thời trang thể thao Lululemon Athletica (Canada) thường xuyên tổ chức các lớp yoga tại cửa hàng. Hay tại Việt Nam, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ dụng cụ nguyên liệu nấu ăn và đồ làm bánh như Kitchen Art, Beemart… cũng thường xuyên tổ chức workshop dạy nấu ăn hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm bếp; còn các hệ thống cửa hàng bán lẻ đồ sơ sinh-trẻ em như Bibomart, Kids Plaza… lại tổ chức các buổi học tiền sản, workshop chắm sóc và nuôi dạy con cái…
2. Cửa hàng pop-up
Cửa hàng pop-up
Cửa hàng pop-up (pop-up retail) là thuật ngữ chỉ những cửa hàng bán lẻ online kết hợp với các đối tác để giúp khách hàng có thể trực tiếp xem xét và dùng thử sản phẩm trước khi mua trực tuyến. Các cửa hàng này vận dụng triệt để công nghệ hiện đại nhằm thu thập thông tin về hành vi mua sắm của khách hàng và cá nhân hóa thông điệp của thương hiệu. Ví dụ: ModCloth là thương hiệu bán lẻ trực tuyến của Mỹ được thành lập năm 2002. ModCloth nổi tiếng nhờ chuyên bán các mặt hàng thời trang nữ theo phong cách retro, vintage. Hãng này đã triển khai một loạt các cửa hàng pop-up tại các thành phố lớn như San Francisco, Los Angeles, Portland và Austin, khách mua sắm có thể đăng ký để được tư vấn riêng với các stylist của ModCloth và tìm hiểu mọi thứ họ cần về sản phẩm. Tuy nhiên sẽ không thể mang sản phẩm đã chọn tại cửa hàng popup mà phải đặt hàng thông qua nhân viên trực tại quầy hoặc tự đặt hàng thông qua website của ModCloth.
3. Sự kiện cộng đồng
Trở thành nhà tài trợ cho các sự kiện cộng đồng giúp các nhà bán lẻ có cơ hội mở gian hàng, tiếp cận với nguồn khách hàng mới, đa dạng hơn và mời họ dùng thử các mẫu sản phẩm của mình. Hoặc, nhà bán lẻ có thể tổ chức sự kiện cộng đồng của riêng mình như cuộc thi chạy, cuộc thi nấu ăn có thưởng…
4. Chuỗi sự kiện
Các sự kiện trải nghiệm có thể được kết nối, tổ chức đều đặn theo tuần hoặc tháng và duy trì trong thời gian dài như Câu lạc bộ văn học, sinh thái… Đó cũng có thể là các chuỗi chia sẻ khi nhà bán lẻ mời diễn giả đến nói chuyện với khách hàng hàng tháng về các chủ đề liên quan tới doanh nghiệp hoặc ngành hàng doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh.
Xét cho cùng, mục tiêu của mỗi chiến dịch marketing trải nghiệm là giải trí cho người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm của bạn nhằm thúc đẩy giao dịch mua bán. Muốn thành công, doanh nghiệp bán lẻ nên đầu tư sáng tạo để tổ chức ra các sự kiện vui vẻ, độc đáo và khác lạ, thúc đẩy người tham dự chia sẻ nhiều hơn cho bạn bè, cộng đồng trên mạng xã hội. Marketer cũng nên xây dựng các hashtag để việc chia sẻ được lan toả mạnh hơn và trúng đích hơn, giúp những khách hàng dù tham dự hay không tham dự đều có thể theo dõi sự kiện sâu sát hơn, nhận lời mời cho các chương trình tiếp theo hoặc tương tác sâu hơn với thương hiệu.
Đào Xuân Khương & Hà Phan
* Nguồn:Doanhnhanh