Giỏ hàng

Xưởng sản xuất “người hâm mộ”


Truyền thông xã hội mà điển hình là các mạng xã hội như Facebook hay Twitter được sinh ra vì lợi ích cộng đồng. Ở đó, người ta thực hiện các giao tiếp, tạo nên những cộng đồng ưa thích cho mình dưới dạng những friend hay follower, có thể gọi chung là “người hâm mộ”.

Người ta cũng dùng mạng xã hội làm nơi đọc báo, xem tin, giải trí hay để quảng cáo rao bán sản phẩm hay dịch vụ, và gần đây người ta còn dùng nhiều mạng xã hội làm nơi giao dịch tài chính. Nhưng phía sau những lợi ích cộng đồng không thể kể hết đó là những quyền lực ẩn danh.

Trên thực tế trong vài năm qua, thế giới mạng trải qua những ngày sóng gió với làn sóng sản xuất tin-giả-theo-yêu-cầu (DaaS) cùng với việc xuất hiện những binh đoàn người giả (bot).

Nhưng mọi việc không ngừng tại đó: Một cuộc điều tra đang được tiến hành theo sau cáo buộc một công ty công nghệ không chỉ sản xuất kinh doanh “người hâm mộ” mà còn ăn cắp nhân dạng và thông tin cá nhân để gắn vào những người giả này, chẳng những để làm tiền mà còn làm các điều phi pháp vô đạo đức.

Truyền thông và cảnh sát phải vào cuộc

Báo cáo về sự việc được công bố trên tờ New York Times, cập nhật tại bản tin ngày 27-1-2018 dưới nhan đề The Follower Factory (Xưởng sản xuất người hâm mộ), theo đó những ai muốn nổi tiếng trên mạng đều có thể trả tiền cho nhu cầu này, và đây là một thứ chợ đen nhức nhối của truyền thông xã hội.

Báo cáo rất dài với những sự kiện, những bằng chứng và cả những tố cáo chẳng những buộc thành phố New York nơi đăng ký tên công ty phải vào cuộc mà còn làm náo động dư luận cộng đồng mạng.

Qua đó, người ta biết rằng nhiều nhân vật nổi tiếng, các vận động viên, những thần tượng và nhiều chính trị gia đã củng cố vị thế của mình bằng binh đoàn những “người hâm mộ” được sản xuất bởi công nghệ.

Và điều này cũng buộc các mạng xã hội phải có hành động, nhất là khi những xưởng sản xuất “người hâm mộ” kiểu này đã đi xa đến trình độ tội phạm.

Báo cáo bắt đầu bằng câu chuyện một cô bé học sinh 17 tuổi, tên Jessica Rychly ở Minesota với nụ cười tươi và mái tóc dợn sóng. Cô thường xuyên nhấp “like” vào các trang nhạc rap của Post Malone, và nhiều khi còn đùa giỡn hay đánh cá với những bạn bè, thỉnh thoảng cũng đưa lên mạng những hình tự chụp selfie.

Nhưng rồi, một Jessica khác xuất hiện trong giới đầu tư bất động sản, kinh doanh tiền ảo, và cả trên một chương trình tại đài phát thanh ở Ghana bằng chính những hình ảnh riêng tư và thông tin cá nhân của cô.

Trong khi đó, Jessica thật chẳng liên quan gì đến những tweet bằng tiếng Ả Rập hay Indonesia, vì cô chẳng biết những thứ tiếng đó. Và tệ hơn, khách hàng của Công ty Devumi đã đưa hình ảnh cô vào các trang khiêu dâm Squirtamania và Porno Dan. Sự việc thật tệ hại đối với một thiếu nữ!

Cuộc điều tra, công bố trên New York Times, cho biết Devuni đã cung cấp cho khách hàng hơn 250.000 “người hâm mộ” trên mạng xã hội Twitter với giá khởi điểm là 12 USD, và công ty cũng bán cho khách hàng những cú “like” hay thực hiện những retweet.

Trên trang web của mình, Devumi cho biết đã giúp cho hơn 200.000 người, bao gồm doanh nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, các YouTubers xuất hiện nhiều hơn trên mạng nhờ đó tạo nên ảnh hưởng lớn trên khách hàng hay người hâm mộ của họ.

Công tố viên Eric Schneiderman nói “mạo danh và lừa dối là bất hợp pháp đối với luật New York”. Báo cáo cho biết trong kho dữ liệu của Devumi còn có ít nhất 3,5 triệu tài khoản tự động, một số được sử dụng nhiều lần, và ít nhất là 55.000 tài khoản như thế đã sử dụng thông tin cá nhân của những người thật để đánh lừa.

Tài khoản giả tràn ngập mạng xã hội

Twitter đang đáp ứng cuộc điều tra này, rằng mạng xã hội sẽ ngăn chận Devumi và các công ty tương tự. Trong quá khứ, Twitter cũng nhiều lần bị tố cáo như vậy với những vấn đề ít nghiêm trọng hơn và họ đã bỏ qua các cuộc điều tra.

Họ cho biết nền tảng cho phép xuất hiện các tài khoản tự động (tức những tài khoản giả do bot hay người máy tạo nên), nhưng ngăn cấm việc bán hoặc mua những tài khoản đó. Nhưng đại điện của New York Times nói Twitter ít khi thực hiện việc ngăn cấm này trên thực tế.

Những tài khoản dùng để lừa đảo tiền đang nổ ra cùng với ảnh hưởng ngày một to lớn của hoạt động kinh doanh trên mạng. Cùng với đó là những tin giả được đưa ra bởi các tổ chức, các nhóm tội phạm và cả các doanh nhân đang đầu độc các mạng xã hội.

Những tính toán khác nhau cho rằng hiện Twitter có hơn 48 triệu tài khoản giả, chiếm đến 15% số lượng tài khoản đang hoạt động. Nhưng công ty nói số lượng thực tế thấp hơn nhiều.

Trong tháng 11-2017, Facebook để lộ cho các nhà đầu tư biết số lượng tài khoản giả của họ cao hơn gấp đôi so với con số đã công bố trước đó, nghĩa là vào khoảng 60 triệu tài khoản tự động.

Các tài khoản này, được gọi bằng một tên chung là “bot”, thường thực hiện việc quảng cáo, làm biến dạng những tranh cãi chính trị, và cũng nhắm đến phá hoại công việc kinh doanh hay danh tiếng của một người hay một doanh nghiệp mang họ đến chỗ phá sản.

Công tố viên Schneiderman nói rằng ông quan tâm đến vấn đề vì những hoạt động mờ ám này đang gây tổn hại đến nền dân chủ.

Cuộc điều tra chắc chắn sẽ được mở rộng vì Devumi không chỉ sử dụng mạng Twitter mà còn kinh doanh “người hâm mộ” trên các nền tảng khác như Pinterest, LinkedIn, Soundcloud và YouTube.

Mặt khác, công ty này đăng ký tại New York City nhưng đại bản doanh ngầm nằm tại Florida và thuê mướn nhân viên từ nhiều nơi như Philippines.

Báo cáo rất dài này góp phần giúp những ai quan tâm đến ảnh hưởng kinh tế từ nạn tin giả, cách mua các “bot” mà ở đây là “người hâm mộ”, cách mà họ ăn cắp và bán các thông tin cá nhân qua công nghệ kinh doanh người giả tên thật này, và cuối cùng là một dây chuyền cung ứng quy mô rộng để họ có thể tự tung tự tác.

Nguy hiểm của công nghệ sản xuất tin giả

New York Times đã đi sâu vào cả những tài khoản bị Devumi lợi dụng. Trong số các tài khoản bị lợi dụng đề cập đến trên trang tin bbc.com cập nhật ngày 28-1-2018, người ta thấy những tên tuổi nổi tiếng như doanh nhân và dân biểu Martha Lane Fox ở Anh, nhà lãnh đạo truyền hình Paul Hollywood, nhà bình luận chính trị Hilary Rosen, chính trị gia Randy Bryce.

Những phản hồi của họ cho thấy sự nguy hiểm của công nghệ sản xuất tin giả cũng như “người hâm mộ”. Phần Rychly, năm nay đã 19 tuổi, nói: “Tôi không ngờ rằng những ai đó đã có thể trả tiền để mua nó. Thật là kinh khủng”.

Năm 2016, người ta nói nhiều đến tin giả, và mạng xã hội lớn nhất hành tinh là Facebook đã phải chịu những cơn bão giận dữ từ công chúng cũng như từ nhiều tổ chức và chính phủ vì làm sai lạc nghiêm trọng các kết quả thực tế.

Thông qua sự phát triển các thế hệ “bot” mỗi lúc một thông minh, các quyền lực ẩn danh hiện nay hoạt động rất mạnh trên các trang mạng, đặc biệt tập trung vào các mạng xã hội và các hạ tầng truyền thông xã hội, bất chấp các fanpage hay hashtag có biết hay thậm chí có đồng ý hay không bởi một khi “bot” đã xâm nhập thì chính họ cũng không kiểm soát được.

Giữa tháng 6-2017, trang mashable.com cho biết album mới nhất mang tên “Witness” của Katy Perry đã cơ bản đạt mốc 100 triệu người theo dõi từ hashtag #LoveKaty.

Việc đạt những mốc theo dõi cao rất có ý nghĩa, nhất là đối với những chính trị gia hay người nổi tiếng, mặt khác nó còn mang giá trị quảng cáo mạnh hơn cả những nội dung quảng cáo đăng trên các trang mạng hay tạp chí.

Nhưng rồi, câu chuyện 100 triệu follower của Katy Perry bị vỡ lở khi trang digitalspy.com công bố kết quả theo dõi của TwitterAudit cho biết vào thời điểm #LoveKaty có 99,3 triệu follower thì chỉ có 32% là những con người thật, 67% còn lại là những người giả mà ngày nay người ta thường biết đến dưới tên chung là “bot”.

Quyền lực ẩn danh đang làm thay đổi môi trường truyền thông xã hội, điều đáng quan ngại là nó thay đổi rất nhanh và tác động lên nhiều mặt từ xã hội đến đời sống.

Người ta rất khó biết về ý định của những quyền lực ẩn danh, có khi đó chỉ là những trò chơi mà người ta nghĩ rằng vô hại, nhưng có khi đó cũng là mưu đồ chiến lược nhằm nâng cao hoặc hạ thấp một mục tiêu.

Việc thay đổi thước đo trên mạng xã hội không chỉ làm xáo trộn phương tiện truyền thông vốn rất uy tín và có khả năng lây lan rất nhanh này mà còn tạo nên những bất bình đẳng trong tranh chấp quảng cáo, và cả những thứ lừa đảo lớn nhỏ như thổi phồng hiệu quả của một loại thuốc.

Hoàng Quân
Nguồn: doanhnhanplus 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Linkedin