Giỏ hàng

Marketing cho phim rạp Việt Nam: Muôn vàn chiêu trò để “dụ khách”


Phim rạp Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang cho thấy bước chuyển mình rõ rệt. Nào là “Em chưa 18”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cua lại vợ bầu”, “Tháng năm rực rỡ”… Sắp tới đây còn có cả “Mắt Biếc”, “Thưa mẹ con đi”, “Anh thầy ngôi sao”… Vẫn biết thành công của các phim này là nhờ vào đội ngũ đạo diễn, biên kịch, diễn viên, hậu kỳ… cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ. Thế nhưng để ánh hào quang lan rộng ra với công chúng thì góp công không nhỏ chính là sự trợ giúp đắc lực của các nhà truyền thông phim. Marketing cho phim rạp Việt Nam, tưởng dễ mà khó không tưởng. Người xem Việt khá khó tính và họ dường như thường chỉ “nhăm nhăm” vào các phim nước ngoài. Vậy làm cách nào mà các Marketers đã quảng bá những bộ phim Việt chiếu rạp để gây được chiến công vang dội đến vậy? 

Marketing cho phim rạp Việt Nam trước công chiếu: Tác động đến người xem bằng những “tiểu tiết” nhỏ nhất

Từ việc quảng bá rộng rãi mặt hình ảnh, âm thanh…

Marketing cho phim rạp Việt Nam là phải làm mạnh từ những điều nhỏ nhất. Quy trình cho một bộ phim sắp công chiếu chính là nhà sản xuất tung teaser trailer, teaser OST rồi mới dần dần đăng official trailer, album OST… Chính những hình ảnh ban đầu này sẽ là một lợi thế lớn trong cuộc đua phim nào được nhiều khán giả xem hơn. Mặt khác, ngoài rạp chiếu phim không chỉ có mỗi phim Việt mà còn có cả những bộ phim nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Sẽ thật khập khiễng nếu chúng ta đem so sánh phim Việt và phim nước ngoài. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Phải làm thế nào để phim rạp Việt Nam vẫn có một chỗ đứng, một vị thế riêng? Và liệu người xem sẽ muốn điều gì ở trailer hay OST của phim?

Trailer là một liều “kích thích” khán giả chú ý vào bộ phim nhiều hơn. (Nguồn: YouTube)

Đã qua cái thời mà phim Việt cứ tung trailer sẽ bị mọi người “ném đá” bởi trailer nhạt nhẽo hay “xem trailer là biết cả nội dung phim”. Nếu trailer, OST tung ra mà chẳng gợi chút cảm xúc nào thì bộ phim chắc chắn đã thất bại đến 70%. Nhưng tất cả đã chỉ là quá khứ. Giờ đây, những thước phim hé lộ, những đoạn nhạc ngắn… đã gây được sự hứng thú, tò mò cho nhiều người Việt. Chúng được đăng tải trên fanpage của các rạp CGV, BHD, Lotte và cả trên YouTube. Có thể thấy rõ ràng những phim Việt sau khi tung trailer được rất nhiều lượt reaction cũng như chia sẻ. Mới đây bộ phim “Mắt Biếc” tung trailer chính thức nhận được về 29k reaction, 10k bình luận và gần 8k lượt chia sẻ. Trên YouTube, bộ phim này đạt mức gần 1 triệu lượt xem. Một số bộ phim khác cũng biết cách cắt ghép đăng trailer khôn ngoan là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Hai Phượng”, “Tháng năm rực rỡ”… Người Việt Nam dễ bị thu hút bởi những trailer đậm chất Việt, nhẹ nhàng, tình cảm, gần gũi mà thực sự sâu sắc.

Bên cạnh đó, OST cũng là một điều mà các nhà marketing phim rạp đã chú ý nhiều. Họ sử dụng cả yếu tố celebrity (người nổi tiếng) để một lần nữa nhấn mạnh sức hút phim. Là Phan Mạnh Quỳnh với những bản hit mê hoặc lòng người trong các phim “Mắt Biếc”, “Người bất tử”, “Chị trợ lý của anh”… Là cả một album “xịn xò” mà Mỹ Tâm dành cho bộ phim của chính mình; là Only C với “Em chưa 18”; là Erik, Nguyễn Trần Trung Quân với “Cua lại vợ bầu”… Tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy đã khơi cho người xem một sự hứng thú, tò mò lớn. Họ sẽ nghĩ rằng nhất định phải đến rạp để trải nghiệm bộ phim tuyệt vời này.

… Cho đến “làm đậm sâu” hình ảnh các diễn viên…

Phim rạp đôi khi không có quá nhiều diễn viên gạo cội. Những lão làng của phim ảnh thường họ sẽ tập trung cho mảng phim truyền hình hơn. Thậm chí, phim rạp quy tụ rất nhiều những gương mặt trẻ mới nổi, những người lần đầu đóng phim. Có thể kể đến như Ngô Kiến Huy, Jun Phạm trong “Cô gái đến từ hôm qua”, Mai Tài Phến trong “Chị trợ lý của anh” hay Trần Nghĩa, Trúc Anh trong “Mắt Biếc”. Chính bởi chưa thực sự có quá nhiều người biết tới các diễn viên này trong vai trò diễn xuất, nên các nhà marketing cho phim đã có những chiêu thức “đẩy” sự ảnh hưởng của họ lên. Với Trần Nghĩa của “Mắt Biếc”, anh được đi đóng nhiều MV đình đám như “Một bước yêu vạn dặm đau” của Mr Siro, phim ngắn “Một thế giới khác” trong chiến dịch quảng bá game Thiện Nữ. Với Mai Tài Phến thì là đóng các MV của Mỹ Tâm như “Đừng hỏi em”, MV “Em gái mưa” của Hương Tràm. Anh cũng được xuất hiện với tần suất dày hơn trong các chương trình truyền hình thực tế. Ngoài ra, các nhà làm phim còn cố gắng tạo các bài phỏng vấn diễn viên trên các báo mạng lớn, các mạng xã hội để công chúng biết tới đậm sâu hơn hình ảnh các diễn viên. Một trường hợp khác là Mỹ Tâm, đây là lần đầu tiên Mỹ Tâm làm phim. Mấu chốt các Marketers nắm bắt được chính là việc khán giả đón đợi lần đầu ra mắt thì Mỹ Tâm sẽ diễn xuất ra sao. Đây cũng là cách thức xây dựng thương hiệu cá nhân để từ đó xây dựng nên một bộ phim thành công mặt truyền thông.

Trần Nghĩa được đóng rất nhiều MV, phim ngắn mặc dù “Mắt Biếc” còn chưa công chiếu. (Nguồn: YouTube)

Mai Tài Phến “khớp” với Mỹ Tâm từ trên phim cho đến MV ca nhạc. (Nguồn: YouTube)

… Và cả ảnh chế “cười té ghế”

Nội dung hài hước thú vị luôn là thứ dễ viral và được nhiều sự chia sẻ. Thay vì viết những dòng sướt mướt PR lộ liễu để marketing cho phim rạp Việt Nam, chi bằng dùng một chút công cụ Photoshop để chế ảnh Poster, diễn viên… thì hiệu quả truyền thông sẽ khiến chúng ta phải bất ngờ. Ngay cả những người dùng mạng xã hội không để ý tới phim ảnh thì họ cũng sẽ bị “cho ăn” rất nhiều những content hài hước về bộ phim này. Không biết những bài post chất lừ dưới đây sẽ có giá là bao nhiêu đây?


Marketing cho phim rạp Việt Nam sau công chiếu: Đẩy mạnh content các kênh mạng xã hội và tương tác với người xem

Dùng Influencers để review phim

Sau khi một phim Việt được công chiếu khoảng 1,2 ngày thì trên mạng xã hội bắt đầu có những lời review phim đến từ Influencers. Các nhà làm phim dường như đã chiêu dụ họ để viết một bài review kích thích khán giả đến rạp xem. Thậm chí có các Vloggers còn làm hẳn 1 clip để review sơ qua về phim. Các Influencers nhấn mạnh các yếu tố: sốc, plot twist, cảm động, hiệu ứng khán giả, diễn viên đóng đạt… để thu hút hơn. Đây cũng là những đặc tính mà người Việt cần ở các bộ phim bây giờ. Marketing cho phim rạp Việt Nam bằng yếu tố Influencers có thể kể đến những trang như “Cuồng phim – Review”, “Sơn Isn’t Blogging”, “Bí mật showbiz”…

Các Influencers review đánh giá tích cực cho các bộ phim.

Lại tiếp tục chế ảnh, video

Trào lưu chế video trailer đang cực kỳ nổi của 1 vài bộ phim gần đây. Nhìn chung, những người chế video sẽ diễn tả hết trailer “bằng lời”, và dẫn dụ đến 1001 điều hài hước khác. Cuối cùng chốt lại là “Hãy đi xem phim đi để biết diễn biến cuối cùng như thế nào.” Phải nói nhờ sự dễ thương, sáng tạo mà những video này đã thực sự rất viral và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Chuỗi trailer chế rất hài hước và được nhiều tương tác trên mạng xã hội.

Tạo xu hướng cho người xem Việt Nam

Mỗi bộ phim chắc hẳn đều chứa đựng một vài yếu tố mà có khả năng phát triển thành trend. Ví dụ như phim “Chị trợ lý của anh” thì là câu khẩu ngữ “Tulusu” hay trend “Con tao đâu? Trả con cho tao!” của phim “Hai Phượng”. Những ai mà không đi xem phim sẽ không thể hiểu những câu nói bắt trend này. Và hẳn là sẽ không ai muốn đứng ngoài “cuộc vui” đúng không nào? Hiểu được tâm lý “hiệu ứng đám đông” của người Việt Nam mà các nhà truyền thông phim rạp mới không ngừng tạo ra những xu hướng mới mẻ hài hước này. Marketing cho phim rạp Việt Nam, là bạn phải tìm cách truyền thông khiến bộ phim của mình thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ.

Mỹ Tâm là người đi đầu xu hướng “Tulusu”. Không đi xem phim thì làm sao biết “Tulusu” là gì?

Tăng độ tương tác giữa diễn viên – người xem

Ngoài việc truyền thông rầm rộ trên các trang mạng, nhà làm phim cũng không quên truyền thông trên cả phương tiện offline bằng những buổi event ra mắt, họp báo, giao lưu cùng người xem. Khi mới ra mắt phim “Chị trợ lý của anh”, Mỹ Tâm và Mai Tài Phến cũng như các diễn viên đã đến tận rạp chiếu phim để ngồi xem cùng fans. Phải nói những hôm đó các rạp đều hết suất rất nhanh. Ai cũng mong được gặp Mỹ Tâm ngoài đời thật. Thậm chí các fanclub còn tổ chức những buổi xem phim riêng, có người còn đi xem lại 2,3 lần. Chính những cử chỉ gần gũi và thân thiện mà diễn viên dành cho fans sẽ là những bước đệm tốt cho sự thành công bộ phim.


Bộ phim “Chị trợ lý của anh” đạt doanh thu phòng vé cao cũng bởi sự có mặt giao lưu 2 diễn viên chính là Mỹ Tâm và Mai Tài Phến. (Nguồn: MNewsvn)

Kết

Phim Việt Nam chiếu rạp đang thay đổi không ngừng để khẳng định với công chúng về sự cố gắng nỗ lực miệt mài này. Và những nhà truyền thông tài ba cũng ngày đêm muốn lan tỏa hình ảnh của bộ phim rộng rãi hơn. Marketing cho phim rạp Việt Nam trước hết là phải thấu hiểu người xem muốn gì từ bộ phim. Chưa cần biết phim sẽ hay hoặc dở như thế nào những kéo được nhiều khách đến rạp thưởng thức phim đã là một thành công cực kỳ lớn. Dự kiến trong tương lai, khán giả cũng đón nhận nhiệt tình những bộ phim sắp công chiếu “Mắt Biếc”, “Thưa mẹ con đi”… như cái cách mà các Marketers đem nội dung thú vị đến độc giả. Cùng chờ xem sau này còn những chiêu trò gì để marketing cho phim rạp Việt Nam sẽ được sử dụng nữa nhé!

Quang Minh – MarketingAI


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Linkedin