Xu hướng Mobile App của doanh nghiệp hiện đại
Xu hướng bán hàng đa kênh (multi channel) cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng của mình trên nhiều nền tảng, môi trường khác nhau. Việc tạo ra những con đường để kết nối với khách hàng tiềm năng trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp hiện tại.
Mobile app có thể coi như một trong những kênh quan trọng nhất giúp doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng tiềm năng của mình. 72% người dùng trưởng thành hiện nay sử dụng smartphone và thị trường này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Xu hướng Mobile App, 3 lý do doanh nghiệp không nên bỏ qua
1. Tăng trưởng doanh số bán hàng.
Rõ ràng, Mobile app cho phép người dùng mua sắm dễ dàng hơn, cũng như có thể quay trở lại mua hàng ngay lập tức mà không cần phải trải qua nhiều bước phức tạp.
- 90% Người dùng dành thời gian của họ trên Mobile app.
- 78% Khách hàng được hỏi cho biết họ ưu thích việc mua sắm trên app hơn so với truy cập vào cửa hàng trên trình duyệt mobile.
- 2/3 Traffic của các nền tảng e-Commerce hiện nay đến từ Mobile App.
- Mobile app giúp tăng tỷ lệ khách hàng quay lại cao gấp 2 lần so với việc doanh nghiệp chỉ sử dụng trình duyệt mobile.
Một lý do khác khiến app trở nên phổ biến nằm ở sự phát triển của thanh toán di động. Người dùng ngày nay thậm chí không cần phải đi mua sắm vì họ có thể mua mọi thứ chỉ bằng smartphone của mình trong khi vẫn đang đi cà phê hoặc ở nhà.
2. Xây dựng và chăm sóc tệp khách hàng trung thành.
Khi người dùng quyết định cài đặt ứng dụng của bạn, nó đồng nghĩa với việc họ không cần phải nhớ tên website của bạn mỗi khi muốn trở lại mua hàng. Mỗi người dùng doanh nghiệp có được cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm thông tin về khách hàng, cũng như hàng vi của họ hoạt động trên app.
Khi một khách hàng đặt bàn, order sản phẩm từ dịch vụ của bạn. Nó cũng cho phép doanh nghiệp có thêm cơ hội biến những người dùng đó thành khách hàng trung thành của mình. Thông qua việc tích hợp một chiến lược khuyến mãi, tích điểm hợp lý (Qua tính năng thông báo đẩy). Rất nhiều ứng dụng sử dụng chiến lược này rất tốt như Grab, AirBnB, các ứng dụng đặt đồ ăn…
3. Tăng trải nghiệm khách hàng
Trải nghiệm khi mua hàng của người dùng luôn là bài toán với mọi thương hiệu. Ngày nay khi internet phát triển và trở nên không thể thiếu, khách hàng càng đòi hỏi nhiều hơn khi mua sắm. Tương tác trực tiếp với sản phẩm, hỏi đáp với người bán đem lại cho họ niềm vui khi mua hàng như khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Trải nghiệm khách hàng (Customer Experience) là nhận thức của khách hàng về sản phẩm, công ty bạn thông qua tất cả các tương tác của khách hàng đó với công ty.
Hiện nay, việc những doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu ứng dụng của riêng mình vẫn còn là điều khá hiếm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng với lĩnh vực kinh doanh của họ hiện tại chưa cần đầu tư để có 1 ứng dụng riêng. Tuy vậy, việc sở hữu một ứng dụng riêng sẽ là cách để doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh của mình dựa vào việc tăng trải nghiệm khách hàng.
Để cạnh tranh trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay, nhà bán lẻ cần bắt kịp các xu hướng sử dụng dữ liệu (Data-driven) và chiến lược đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu (Customer-First). Một nghiên cứu được thực hiện bởi Salesforce và Publicis.Sapient cho thấy rằng, 64% người tiêu dùng cảm thấy rằng nhà bán lẻ không thực sự hiểu rõ họ. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để các nhà bán lẻ thích ứng với sự phát triển, tiện lợi, cá nhân hóa mà mobile app đem lại.
31% Ngân sách phát triển app được dành cho marketing
Tính đến năm 2019, có hơn 3.8 triệu ứng dụng hiện đang hoạt động trên nền tảng Google Play. Con số này trên Apple App Store là hơn 2 triệu ứng dụng.
Số liệu của Apple's App Store cũng cho biết rằng, mỗi ngày nền tảng này chứng kiến hơn 1.000 ứng dụng mới được ra mắt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh để có được một người dùng tải xuống ứng dụng của bạn ngày càng khó khăn hơn.
Các doanh nghiệp hiện tại cần phải chuẩn bị một chiến lược marketing kỹ càng trước khi quyết định ra mắt ứng dụng của mình.
Một khảo sát từ những doanh nghiệp phát hành app thành công thì 35% trong số đó cho biết rằng, họ dành từ 31-50% ngân sách của mình cho marketing, trong khi đó, 21% cho biết họ thậm chí phải chi ra 51-70% ngân sách cho hoạt động marketing để thu hút người dùng mới.
Con số này có vẻ khá cao so với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó chỉ khẳng định 1 điều rằng, chiến lược marketing đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công khi bạn phát hành ứng dụng của mình.
Affiliate marketing - Giải pháp mới cho bài toán tối ưu chi phí
Affiliate Marketing có thể xem như một hướng tiếp cận mới cho những doanh nghiệp đang vận hành ứng dụng di động, muốn tăng lượng người dùng chất lượng sử dụng sản phẩm của mình.
Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) là một loại hình marketing dựa trên mô hình tính phí quảng cáo CPA (Cost per Action). CPA là mô hình tính phí quảng cáo tối ưu nhất hiện nay khi dựa trên hành vi của người dùng. Doanh nghiệp chỉ phải trả phí khi khách hàng thực hiện một chuyển đổi (conversion) mong muốn như tải ứng dụng, mua hàng, điền form đăng ký…
Hình thức CPA ưu việt hơn các hình thức tính phí quảng cáo truyền thống theo lượt click CPC (Cost per Click) hay theo lượt hiển thị CPM (Cost per Thousand Impression) vốn đang có khuynh hướng tăng mạnh về chi phí và giảm tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) qua thời gian do áp lực cạnh tranh & nạn click ảo.
Affiliate marketing có thể được xem như một sự kết hợp thu nhỏ của toàn bộ các kênh digital. Digital marketing bao gồm các hình thức SEO, Google Ads, Facebook Ads, Social, PPC, Display, Email, Native ads và cả Affiliate.
Việc ứng dụng Affiliate trong Mobile App Marketing về bản chất là doanh nghiệp, trong vai trò nhà quảng cáo (Advertiser), dựa vào nguồn lực của hàng trăm ngàn publisher - những người có khả năng quảng bá việc cài đặt app qua mạng - để thu về lượt cài đặt & sử dụng thực cho app của mình.
* Nguồn: brandsvietnam